Trẻ em là độ tuổi thường xuyên gặp các vấn đề về răng miệng nếu không được chăm sóc, vệ sinh đúng cách. Theo bác sĩ Hồ Vân Phụng, Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh răng miệng ở trẻ là bệnh chuyên khoa nhưng ít được quan tâm và thường bị bỏ qua. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có nguy cơ ảnh hưởng đến răng miệng trẻ khi trưởng thành, sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống. Do đó, các bậc phụ huynh cần nắm được những căn bệnh răng miệng bé thường gặp nhất để hướng dẫn bé chăm sóc răng miệng một cách cẩn thận. Trường hợp nặng, nên đưa đến cơ sở uy tín để bác sĩ thăm khám và đưa ra phương hướng điều trị giúp cho con yêu có hàm răng khỏe đẹp.
5 bệnh răng miệng thường gặp ở trẻ
Sâu răng
Đây là một trong những bệnh răng miệng thường gặp nhất ở trẻ. Nguyên nhân do bé chưa thực hiện vệ sinh răng miệng sạch sẽ, kèm theo thói quen xấu như ăn nhiều đồ ngọt, thức ăn chứa acid…Sâu răng thường khiến trẻ đau nhức, ê buốt, trên răng có đốm đen li ti. Điều này vừa gây khó chịu, giảm khả năng ăn uống, vừa ảnh hưởng thẩm mỹ hàm răng.
Viêm nướu
Viêm nướu là tình trạng nướu răng viêm đỏ, sưng lên, dễ chảy máu khi chạm vào. Tình trạng này có thể khu trú một vài răng hay xảy ra ở cả hai hàm răng. Nguyên nhân chủ yếu là do vệ sinh răng kém. Mảng bám thức ăn nếu không được làm sạch, gây lên men tạo acid, là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi nhiều trong môi trường miệng, làm nướu viêm đỏ.
Viêm tủy răng
Là tình trạng răng bị nhiễm trùng đến tủy, gây kích thích tủy răng. Trẻ thường đau nhức răng từng cơn liên tục về đêm, không ngủ ngon được. Khi răng bị sâu, không chữa trị hiệu quả sẽ khiến cho vi khuẩn dần dần ăn sâu vào tủy răng, gây bệnh lý này.
Áp xe quanh chân răng
Đây là bệnh nhiễm trùng tủy răng lâu ngày gây lan tỏa nhiễm trùng sang mô mềm quanh chóp răng. Bệnh biểu hiện với khối sưng ở phía nướu răng, ấn mềm, căng bóng, đôi khi có hình ảnh rỉ mủ màu trắng đục. Bệnh này ít gây đau, người nhà thường phát hiện khi thấy khối sưng ở nướu răng của trẻ.
Viêm loét miệng
Các vết loét ở vùng niêm mạc miệng như môi, má và nướu răng gây đau đớn, rất khó chịu cho trẻ. Nhất là khi ăn, nói hoặc cử động. Khi ăn uống những thực phẩm nóng, lạnh có chất kích thích. Trẻ càng dễ bị đau hơn tại những vết loét và phần xung huyết xung quanh.
Khi trẻ có những vết loét này xuất hiện trong miệng. Đó là lúc hệ miễn dịch đang suy giảm. Phụ huynh nên tăng cường sức đề kháng cho trẻ trong giai đoạn này.
Cách phòng ngừa bệnh răng miệng ở trẻ em
Để hạn chế bệnh răng miệng phát sinh ở trẻ em, bố mẹ nên quan tâm chăm sóc sức khỏe răng miệng cho trẻ đúng cách. Bố mẹ nên hướng dẫn cho trẻ làm quen với việc vệ sinh răng miệng hàng ngày. Sử dụng bàn chải đúng cách. Dùng kem đánh răng phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Bố mẹ nên nhắc nhở trẻ vệ sinh răng miệng sau khi ăn và trước khi đi ngủ. Để hiệu quả hơn, bạn nên kết hợp cả kem đánh răng và nước súc miệng hoặc nước muối sinh lý cho trẻ.
Thiết lập một chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ. Hạn chế việc ăn quá nhiều thực phẩm có lượng đường và axit cao. Trẻ nên ăn nhiều rau củ quả và những thực phẩm không gây nhiệt miệng. Đặc biệt cần bổ sung cho trẻ các thực phẩm giàu Vitamin C và B12.
Bố mẹ nên tập cho trẻ thói quen đến nha khoa khám răng định kỳ. Để có thể có những biện pháp xử lý kịp thời nếu bác sĩ phát hiện bệnh. Đối với trẻ sơ sinh, bố mẹ cần vệ sinh tiệt trùng bình sữa, núm vú, ti giả sau mỗi lần trẻ sử dụng. Nhằm tránh những vi khuẩn xấu gây hại cho khoang miệng. Trẻ em ở mỗi một lứa tuổi khác nhau nên sử dụng những dụng cụ chăm sóc răng miệng phù hợp. Đây là một phương pháp phòng ngừa các bệnh răng miệng hiệu quả.