Trái Đất đối diện với các vấn đề hiệu ứng nhà kính, thủng tầng ozon, việc giải quyết nhanh chóng rác là điều cấp bách. Hiện nay, đang có nhiều công trình nghiên cứu thử nghiệm để xử lý hay tìm ra những chất liệu thay thế những loại rác thải khó phân hủy. Và mới đây, giới khoa học đã thắp sáng thêm hy vọng khi phát triển ra một loại nhựa dễ phân hủy dùng trong các sản phẩm thiết bị điện tử. Đặc biệt khi loại nhựa này chỉ mất một tuần để phân hủy dưới tác động của Mặt Trời. Hãy cùng với Wxiztv.com khám phá để tìm hiểu thêm về loại nhựa này nhé!
Phát triển loại nhựa dễ phân hủy
Nhiều nhà khoa học trên thế giới tìm cách thay đổi quy trình sản xuất nhựa để tạo ra những loại vật liệu tan rã trong môi trường một cách an toàn và nhanh chóng. Nhóm nghiên cứu của Liang Luo, chuyên gia tại Đại học Khoa học và Kỹ thuật Hoa Trung, phát triển loại nhựa có thể phân hủy chỉ trong một tuần với những yếu tố nhất định, New Atlas hôm 11/7 đưa tin. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Journal of the American Chemical Society.
Vật liệu mới ra đời trong quá trình Luo nghiên cứu một loại cảm biến hóa học tiên tiến. Đó là một màng polymer có thể đổi màu theo độ pH. Quá trình này diễn ra nhờ cấu trúc phân tử độc đáo của nó. Các chuỗi monomer tạo màu đỏ đậm cho màng polymer. Màu sắc này biến mất khi các liên kết bị phá vỡ.
Qua nhiều thí nghiệm, Luo cùng đồng nghiệp nhận thấy màu đỏ đậm của màng polymer nhanh chóng phai đi, tấm màng cũng vỡ ra sau vài ngày đặt dưới ánh sáng Mặt trời. Việc phá vỡ các liên kết như vậy là mục tiêu chung trong những nghiên cứu nhằm tái chế nhựa. Qua đó, Luo đã vô tình tạo ra một loại vật liệu tiềm năng thân thiện với môi trường.
Giảm tải rác điện tử
Cấu trúc phân tử của loại nhựa mới không phù hợp để làm chai nước ngọt hay túi đựng đồ. Vì nó chỉ ổn định trong môi trường tối và không có oxy. Khi tiếp xúc với ánh nắng và không khí, nó tan rã nhanh chóng. Nó sẽ phân hủy hoàn toàn trong vòng một tuần. Chúng sẽ không để lại các mảnh vi nhựa gây hại cho môi trường. Một phụ phẩm của quá trình này là axit succinic. Có thể tái chế để sử dụng trong dược phẩm hoặc thực phẩm.
Vật liệu mà nhóm nghiên cứu của Luo phát triển có thể dùng trong smartphone hoặc các thiết bị điện tử khác. Chúng bị ngăn cách khỏi không khí và ánh sáng trong suốt thời gian sử dụng. Luo cho rằng vật liệu mới sẽ tồn tại nhiều năm khi dùng theo cách này.
Các thiết bị sau khi vứt bỏ cũng sẽ dễ phân rã hơn. Ông dự định tiếp tục nghiên cứu nhựa dễ phân hủy. Nhưng việc thương mại hóa vẫn cần thêm nhiều năm.
Rác điện tử là một vấn đề môi trường đang gia tăng nhanh chóng ở cả các nước đã và đang phát triển, nơi mà phần lớn rác thải bị tồn đọng. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, hàng chục triệu tấn thiết bị cũ đã bị vứt bỏ hàng năm. Chúng được sản xuất bằng plastic (nhựa) và kim loại nặng như thủy ngân và cadmium. Nếu cố tình mua đi bán lại những vật liệu này có thể tiếp tục tạo ra các sản phẩm phụ độc hại cho sức khỏe con người và môi trường.