Viêm khớp gối là tình trạng đau nhức ở khớp gối làm hạn chế phạm vi chuyển động và giảm tính linh hoạt của khớp. Người cao tuổi là đối tượng thường bị ảnh hưởng nhất bởi tình trạng này. Đau đầu gối có thể liên quan đến chấn thương, các loại viêm khớp và một số vấn đề sức khỏe khác. Mặc dù nó có thể gây đau đớn và khó chịu nhưng hầu hết các trường hợp đều có thể điều trị được. Do đó, nếu bị đau khớp gối, bạn nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Viêm khớp gối là gì?
Khớp gối là nơi tiếp giáp của ba xương chính, gồm: xương đùi, xương bánh chè và xương ống chân. Giữa các đầu xương có một lớp sụn bao phủ. Sụn là một dạng mô trơn có bề mặt mịn, dễ trượt, giúp các khớp cử động trơn tru, đồng thời giữ vai trò như chất đệm ở khớp xương. Tại đây còn tồn tại mô hoạt dịch trải dài trên khớp, sản sinh dung dịch bôi trơn khớp (còn gọi là chất nhờn) và cung cấp dưỡng chất cho sụn.
Viêm khớp gối là tình trạng phần xương sụn trơn bị mòn đi, trở nên xù xì và thô ráp. Khi đó, các khớp xương sẽ cọ xát vào nhau chặt hơn, ma sát nhiều, việc hấp thụ các chấn động ở sụn khớp giảm đi, gây đau và vận động khó khăn.
Các giai đoạn viêm khớp gối
Khớp gối bị viêm thường diễn biến âm thầm, phát triển qua 4 giai đoạn:
- Giai đoạn sớm: Kết quả X-quang cho thấy những đốt gai nhỏ xuất hiện ở vùng gối, sụn có tổn thương nhẹ.
- Giai đoạn nhẹ: Khớp gối phát triển nhiều gai hơn, lớp sụn chen giữa xương mỏng dần. Triệu chứng bắt đầu được nhận thấy rõ nhưng chỉ thoáng qua khiến người bệnh thường chủ quan.
- Giai đoạn giữa: Khoảng cách đầu xương hẹp lại, sụn tổn hại nặng có thể nhìn rõ qua X-quang. Ở giai đoạn này người bệnh cảm thấy đau và khó khăn trong vận động hàng ngày.
- Giai đoạn nặng: Khoảng cách khớp giữa các xương rất hẹp, xương chồng lên xương, sụn bị vỡ nhiều hoặc mất đi hoàn toàn, dịch còn rất ít. Một số trường hợp nặng, xương còn bị biến dạng.
Đối tượng dễ mắc bệnh là ai?
Viêm khớp gối là tình trạng đau nhức, sưng tấy xảy ra ở vị trí nối giữa xương bánh chè, xương đòn đùi và xương ống chân. Lúc này phần sụn trơn ở khớp gối bị mòn đi, trở nên xù xì và thô ráp. Các khớp xương cọ sát vào nhau chặt hơn gây đau và khó vận động.
Bệnh sẽ xảy đến ở một số đối tượng sau:
- Người thuộc độ tuổi trung niên trở đi (khoảng từ 40-50 tuổi)
- Người thừa cân, béo phì
- Người gặp chấn thương đầu gối trong hoạt động thể thao, tập luyện
- Người gặp tai nạn lao động khi làm việc
- Người thường xuyên bê, khuân vác các vật nặng
- Trong gia đình có người thân mắc các bệnh về khớp
Nguyên nhân gây bệnh
Trước khi tìm hiểu viêm khớp gối có nguy hiểm không thì hãy tìm hiểu các nguyên nhân nào gây nên bệnh lý này nhé.
Có 4 nguyên nhân chính gây ra viêm khớp gối đó là:
Tuổi tác: khi tuổi càng cao thì càng phải đối mặt với quá trình lão hóa. Khi sụn khớp bị thoái hóa dẫn đến tình trạng viêm đau khó chịu.
Chấn thương ở đầu gối là một chấn thương phổ biến trong hoạt động thể thao hay khi làm việc. Nếu bạn bị rách dây chằng, rách sụn chêm, gãy xương bánh chè,… thì nguy cơ rất cao sẽ bị viêm khớp gối. Bởi tuy tổn thương đã hồi phục nhưng vẫn có thể để lại di chứng sau này.
Lối sống không khoa học, gây hại tới xương khớp. Cụ thể: Những người ít vận động, thường xuyên hút thuốc lá hoặc ăn quá nhiều thực phẩm giàu purin,… sẽ phải đối mặt với tình trạng viêm khớp gối.
Thừa cân, béo phì cũng là nguyên nhân gây nên viêm khớp gối. Bởi trọng lượng cơ thể lớn sẽ tạo sức ép lên hệ xương khớp, đặc biệt là khớp gối. Lâu ngày khớp gối chịu áp lực sẽ trở nên sưng đau, khó chịu.
Triệu chứng của bệnh
Người bị viêm khớp gối rất dễ nhận biết qua một vài triệu chứng sau:
- Đau nhức tại khu vực đầu gối, cơn đau có chiều hướng tăng dần theo thời gian
- Đầu gối trở nên sưng tấy
- Thực hiện các động tác co duỗi chân trở nên khó khăn
- Nghe thấy âm thanh lạo xạo mỗi khi co duỗi khớp gối
Viêm khớp gối nguy hiểm như thế nào?
Nhiều người không khỏi thắc mắc bệnh viêm khớp gối có nguy hiểm không? Câu trả lời là có. Tuy không gây tử vong nhưng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động của người bệnh. Bên cạnh đó, người bệnh cũng gặp trở ngại trong sinh hoạt hàng ngày, khó ngủ, giảm sự tập trung, giảm năng suất làm việc và giảm chất lượng cuộc sống.
>>> Truy cập tin tức về bệnh tại đây
Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời hay người bệnh còn chần chừ trong điều trị thì sẽ rất nguy hiểm. Viêm khớp gối để lâu sẽ dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng như:
- Cứng khớp
- Teo cơ
- Hệ thống dây chằng yếu đi
- Khớp bị biến dạng
- Mất khả năng đi lại
Vì vậy, nếu gặp các dấu hiệu bất thường và thấy đau tại khớp gối, bạn nên đi kiểm tra để được chẩn đoán chính xác và kịp thời nhất. Từ đó có phác đồ điều trị phù hợp giúp cải thiện tình trạng tốt hơn.
Kiểm soát bệnh viêm khớp gối
Nên làm những gì?
Để tình trạng viêm khớp gối được cải thiện thì bạn cần ghi nhớ một số điều nên làm sau:
– Nghỉ ngơi: ngừng hoạt động và nghỉ ngơi ngay khi gặp phải cơn đau ở vùng gối. Nếu tiếp tục hoạt động sẽ làm cho tình trạng thêm nặng hơn và ảnh hưởng xấu tới khớp.
– Kiểm soát cân nặng phù hợp. Bằng cách thiết lập chế độ dinh dưỡng và thói quen ăn uống khoa học sẽ tránh bị thừa cân, béo phì. Qua đó khớp gối cũng giảm bớt được sừ đè ép từ trọng lượng cơ thể hơn.
– Vận động nhẹ nhàng, tránh các bài tập mạnh, quá sức. Bạn nên có sự linh hoạt trong các bài tập đứng – ngồi, di chuyển để khớp được chuyển động linh hoạt.
– Dùng thuốc giảm đau đúng với chỉ định của bác sĩ.
Không nên làm những gì?
Nếu không muốn khớp gối bị viêm thêm trầm trọng hơn, bạn cần lưu ý một số điều sau:
– Hạn chế/không hút thuốc lá. Bởi trong thuốc lá có thành phần có hại gây kích ứng các mô liên kết xung quanh khớp. Do đó nó sẽ cản trở quá trình hồi phục khi điều trị khớp gối.
– Không cố gắng bê vác đồ vật nặng hay chơi thể thao với cường độ mạnh. Bởi khớp gối bị viêm sẽ trở nên yếu đi, nếu phải chịu thêm tác lực mạnh sẽ càng gây đau nhức hơn.
– Tránh giữ một tư thế quá lâu, cụ thể: ngồi lâu, nằm lâu, đứng lâu,… Bởi nếu không vận động sẽ xảy ra hiện tượng cứng khớp, khó co duỗi như bình thường.
Trên đây là những thông tin bổ ích giải đáp cho thắc mắc chung “Viêm khớp gối có nguy hiểm không?”. Hy vọng qua bài viết này bạn đã có cái nhìn chi tiết hơn về bệnh lý này và có phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhé.